Đánh giá Gia Cát Lượng

Tranh vẽ Gia Cát Lượng.

Tài năng

Tư Mã Huy nhận xét về Gia Cát Lượng như sau: "Nếu được một trong hai người Ngọa Long (tức Khổng Minh) hoặc Phượng Sồ (tức Bàng Thống) thì có thể bình định được thiên hạ". Người đời sau có câu: "Tam phân thiên hạ Gia Cát Lượng, Nhất thống sơn hà Lưu Bá Ôn.", đế nói lên tài năng của ông.

Trần Thọ trong Tam quốc chí có bình luận như sau[43]:

Gia Cát Lượng làm tướng quốc rất đỗi quan tâm đến đời sống trăm họ, lấy mình làm gương về luân lý, điều hành chánh sự. Ông thanh trừ quan lại tham nhũng, giảm bớt các khoản chi quốc gia không cần thiết, tăng thêm hiệu suất bộ máy hành chính khai sáng dân tâm, ban bố điều luật, xây dựng được niềm tin của dân chúng toàn quốc với quyền lực của vương triều.Cuối cùng, khắp trong lãnh thổ đều kính trạng mà nể sợ, hình phạt tuy nghiêm khắc song dân gian không oán thán, lấy chánh tâm công bằng mà khuyên thiện trừ ác vậy; thực là người hiền tài đại độ trong điều hành chánh sự, có thể nói ví như Quản TrọngTiêu Hà cũng chẳng thể hơn

Tập Tạc Xỉ đời nhà Tấn (tác giả Tương Dương kỳ cựu ký) từng bình luận rằng:

"Hình luật không thể không dùng, khi gia hình mà như mình có lỗi, khi ban tước lộc mà không tư riêng, khi trừng phạt mà không giận dữ, thiên hạ còn ai chẳng phục; Gia Cát Lượng là người giỏi dùng hình phạt, từ Tần Hán đến giờ chưa từng có vậy".

Tuy nhiên Tập Tạc Xỉ cũng phê bình Gia Cát Lượng không đánh giá đúng tài năng của thuộc cấp, không biết lượng tài để giao việc theo đúng tài năng khí chất, và kết luận: "Gia Cát Lượng không thể kiêm thượng quốc vậy, há không phải sao?"[44]

Đại học giả Chu Hi thời nhà Tống bình luận:

Xét từ Tam Đại (3 triều đại Hạ - Thương - Chu) trở về sau, người lấy nghĩa để cai trị chỉ có một mình Gia Cát Khổng Minh.

Triệu Dực trong cuốn “Sử trát ký” có bình luận như sau: “Tào Tháo dùng người lấy quyền lực mà chế ngự, Lưu Bị thì lấy tính tình làm trọng còn Tôn Quyền thì lấy ý khí làm đầu. Lấy quyền thuật chế ngự thì trọng ở cái cốt yếu, lấy tính tình đê mà tụ họp thì trọng ở chữ chân thành, Gia Cát Lượng thì dùng người, trên tinh thần vận dụng sở trường của cả ba nhà đó”. Vị hoàng đế nổi tiếng anh minh Đường Thái Tông nhận xét: nước Thục Hán thời Tam Quốc "10 năm không có đại xá mà dân Thục được cảm hóa sâu xa, là do hiền tướng Gia Cát Lượng rất chí công trong việc cai trị". Đường Thái Tông rất tôn sùng Gia Cát Lượng, trước quần thần ông tán thưởng Gia Cát Lượng là “đệ nhất thừa tướng”, “là bậc đại công vô tư”.[43]

Việc đóng quân của Gia Cát Lượng rất bài bản, có doanh lũy, bếp giếng, nhà xí, rào tre, chòi canh gắn liền với nhau, chẳng những động viên được lực lượng cơ động rất thuận lợi mà khả năng phòng ngự cũng rất mạnh. Ở gò Ngũ Trượng, Tư Mã Ý đã nhìn thấy doanh lũy và công sự của quân Thục còn lưu lại, phải thốt lên rằng: "Thật thiên hạ kỳ tài vậy".

Sau khi Thục Hán mất, Tấn vương Tư Mã Chiêu đã ra lệnh cho Trần Hiệp phải tìm kiếm tư liệu để học tập binh pháp của Gia Cát Lượng. Tấn Vũ Đế Tư Mã Viêm còn đích thân thỉnh giáo Phàn Kiến (một cựu đại thần của Thục Hán) về cách trị quốc của Gia Cát Lượng, ông còn cảm thán: "Nếu ta được Gia Cát Lượng phò tá, thì đâu có nhọc mệt như hôm nay". Như vậy, cả 3 thế hệ họ Tư Mã kiến lập nhà Tấn, dù là đối thủ của Gia Cát Lượng song đều tán thưởng tài năng của ông, khuyến khích hậu thế noi gương. Nhà Tấn sau này còn truy phong miếu hiệu cho Gia Cát Lượng là "Võ Hưng Vương". Việc truy phong tước vị cho quan đại thần của triều đình đối thủ quả là điều rất hiếm thấy trong lịch sử Trung Quốc.

Về sau Nguyên Vi Chi có bài thơ ca ngợi rằng:

Dẹp loạn phò chúa yếu,Ân cần việc thác cô.Tài cao hơn Quản, Nhạc.Mẹo giỏi quá Tôn, Ngô.Thắm thiết lời dâng biểu,Tài tình phép trận đồ.Đức ngài cao thịnh lắm,Thiên cổ tiếng thơm tho!

Trong cuốn sách Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện (thuộc thể loại Tam Quốc Ngoại Truyện), tác giả là Trần Văn Đức cho rằng Gia Cát Lượng là người khiêm nhường, cẩn thận hiểu rõ và hết lòng với chức phận. Tài thao lược quân sự của ông không tới mức "xuất quỷ nhập thần" như truyền thuyết dân gian mô tả, song cũng có được nhiều chiến tích đáng ca ngợi: bình định Mạnh Hoạch chỉ trong thời gian ngắn, lập kế giết được 2 tướng giỏi của Ngụy, mấy lần đánh bại Tư Mã Ý, khiến quân Ngụy hoang mang tới mức chỉ chọn sách lược cố thủ trong thành lũy chứ không dám kéo ra giao chiến với quân Thục Hán (dù quân Ngụy đông hơn). Cuốn sách này cũng cho rằng: "Về quản lý thực tiễn, ông cơ hồ là người tài giỏi bậc nhất trong thời Tam quốc. Về nhân cách con người và kỹ xảo phát minh, ông đích xác rất đáng ca ngợi, đáng được xem là nhân vật kiệt xuất trong lịch sử Trung Quốc"[45].

Cũng theo Trần Văn Đức, sở dĩ Gia Cát Lượng không thể đạt được ý nguyện phục hưng nhà Hán, chẳng phải vì ông điều hành nước Thục không hiệu quả, mà vì bản thân nước Thục có diện tích và dân số khá nhỏ so với Ngụy và Ngô, trong khi đó đối thủ (Tào Tháo, Tư Mã Ý, Tôn Quyền...) đều là những người có tài, cùng với đó là thời vận không được thuận lợi, nhiều kế hoạch của Gia Cát Lượng không thành vì những điều không may (Ngô bắt tay với Ngụy để đánh úp và giết Quan Vũ, Trương Phi bị ám sát, Lưu Bị vì quá đau xót đã không nghe lời can ngăn của ông mà đánh Ngô rồi thua to và ốm chết; người kế nhiệm Tưởng Uyển, Phí Y mất quá sớm, Vương Bình, Mã Trung, Đặng Chi đều mất sau Gia Cát Lượng không lâu)[45].

Lòng trung thành

Theo nhiều tác giả, trong cuộc chiến diệt Tào Ngụy, Gia Cát Lượng không đeo đuổi danh lợi, chỉ một ý chí đánh giặc diệt Ngụy, phục hưng nhà Hán, đặt sự hưng vong của quốc gia lên trên danh lợi và vinh nhục của cá nhân với tấm lòng tha thiết. Ông từng tuyên bố rằng: "Nếu như diệt được nước Ngụy, chém đầu Tào Duệ, đưa hoàng thượng về cố đô Lạc Dương thì đến lúc đó tôi cùng chư vị đồng liêu được thăng quan tấn tước, cho dù được thưởng mười loại báu vật tôi cũng xin nhận huống chi là cửu tích".[46]

Khi Lưu Bị từ trần, Tào Phi hạ lệnh cho mấy danh sĩ của nước Ngụy trao đổi ý kiến chính trị với Gia Cát Lượng, bao gồm Tư đồ Hoa Hâm, Tư không Vương Lãng, Thượng thư Trần Quần, Thái sử Hứa Chi, Phó tạ Gia Cát Chương, muốn Gia Cát Lượng quy hàng nước Ngụy. Gia Cát Lượng chẳng hề dao động, viết một bức thư công khai trả lời, bày tỏ lập trường tận trung với nhà Hán của mình[47]:

"Hạng Vũ ngày xưa, đã phản lại nguyên lý chính trị, có được chính quyền bằng mọi cách, bởi thế tuy chiếm được đại bộ phận vùng đất Hoa Hạ, có được thanh thế của hoàng đế song cuối cùng vẫn thân bại danh liệt, có thể coi là tấm gương soi cho hậu thế.Nay Tào Ngụy, chưa thấu tỏ sự thực lịch sử, vẫn giẫm lên vết chân Hạng Vũ, phi pháp đoạt lấy chính quyền, tức là cầu may mà có nhất thời, cũng sẽ rước họa về sau vậy. Các vị tiên sinh là những kỳ lão của xã hội, lại vì Tào Ngụy mà viết thư cho tôi, đúng như cuối đời Tây Hán Trần Sùng, Trương Tủng lại ca tụng công lao của Vương Mãng, tiếp tay cho việc Vương Mãng thoái vị, thực là những kẻ đầu sỏ tội lỗi đã phá hoại luân lý chính trị....Kiên trì chính nghĩa, thảo phạt tà đạo không ở số quân nhiều hay ít. Tào Tháo tuy nhiều mưu lược tự dẫn đại quân đến cứu Trương Cáp ở Dương Bình, vẫn khó tránh mất Hán Trung vào tay tiên đế. Tin rằng cái chết của Tào Tháo là sự trừng phạt của thiên mệnh. Song Tào Phi dâm dật không biết tỉnh ngộ, làm việc thoán vị xấu xa mà các ông lại thuyết lý, tuyên dương cho ông ta. Khiến cho những luân lý chính trị của những thánh vương truyền lại như vua Nghiêu, vua Thuấn, Văn Vương đều hoen ố, thực khiến những kẻ quân tử không chịu nổi".

Trong bài Tam Quốc diễn ca cuối tác phẩm, La Quán Trung có mấy câu tả về quyết tâm bắc phạt nhưng không thành của Gia Cát Lượng:

...Kỳ Sơn trở ngọn cờ đào,Một tay mong chống trời cao nghìn trùng.Ngờ đâu vận đã cùng khôn gượng,Nửa đêm gò Ngũ Trượng sao sa...

Nhà thơ Đỗ Phủ có bài thơ ca ngợi lòng trung thành của Gia Cát Lượng khi đến thăm đền thờ ông:

Miếu thờ thừa tướng là đâyCấm thành rừng bách phủ đầy trước sauNắng xuân cỏ biếc một màuTiếng oanh trong lá toả vào không gianBa lần cầu kiến cao nhânHai triều đã tỏ lão thần tận tâmKỳ sơn giữa trận từ trầnKhách anh hùng để tần ngần lệ rơi.

Bạch Lạc Thiên cũng có thơ rằng

Tiên sinh náu tiếng chốn sơn lâm,Hiền chúa ân cần muốn tới thăm.Cá đến Nam Dương rào nước quẫy,Rồng bay Tây Thục đổ mưa rầm.Sụt xùi giọt ngọc trao con đỏ,Gắng gỏi lòng son trả nghĩa thâm.Hai biểu xuất sư còn để lại,Khiến người coi thấy lệ đầm đầm...

Dù không thành công trong mục tiêu cuối cùng là thống nhất Trung Nguyên, khôi phục nhà Hán, nhưng sau hai nghìn năm, người dân Tứ Xuyên vẫn còn nhắc đến những thành tích trị quốc ở đất Thục của ông. Những danh nhân như Đỗ Phủ, Lý Bạch, Lý Thương Ẩn đều sùng bái ông, viên danh tướng là Nhạc Phi đã lừng danh "tận trung báo quốc", đều đã đọc kỹ bản viết Xuất sư biểu nổi tiếng của Gia Cát Lượng và cùng bày tỏ sự tôn sùng vô hạn đối với tài năng và lòng trung thành của ông.[48]

Gia Cát Lượng đã viết ra Xuất sư biểu gồm hai bài biểu, Tiền xuất sư biểu (前出師表) và Hậu xuất sư biểu (後出師表) để dâng lên Thục Hán Hậu chủ Lưu Thiện trước khi ông thân chinh dẫn quân đi Bắc phạt lần thứ nhất và lần thứ hai vào các năm 225 và 226. Trong hai bài biểu này, Gia Cát Lượng đã dùng những lời lẽ thống thiết từ tận đáy lòng để bày tỏ sự tận trung của mình với nhà Thục Hán và những lo lắng của ông cho sự an nguy của đất nước, với hai câu nói nổi tiếng thể hiện tâm nguyện của ông: "Cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi"[49] Xuất sư biểu sau đó đã trở nên nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc như là đại diện xuất sắc của thể loại biểu và là biểu tượng cho tấm lòng của các bậc trung thần. Nhận xét về bài Hậu xuất sư biểu của Gia Cát Lượng, Tạ Phương Đắc thời Nam Tống trong tác phẩm Văn chương quỹ phạm đã viết: "Đọc Xuất sư biểu, ai không khóc là bất trung, đọc Trần tình biểu ai không khóc là bất hiếu, đọc Tế thập nhị lang văn ai không khóc là bất từ".[50]

Vị vua nổi tiếng nhất đời Thanh là hoàng đế Khang Hy đã nói rằng[51]:

"Gia Cát Lượng nói: Cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi. Làm kẻ bầy tôi, duy chỉ có Gia Cát Lượng có thể được như vậy"

Con trai ông là Gia Cát Chiêm và cháu nội là Gia Cát Thượng kế thừa ý chí của ông, đã chiến đấu tới cùng và tử trận khi nhà Thục Hán sắp sụp đổ bởi kẻ thù. Bởi vậy, người đời sau có câu khen rằng "Gia Cát Vũ hầu, ba đời trung liệt". La Quán Trung có thơ khen rằng:

Có phải trung thần kém mẹo đâu?
Lòng trời không tựa vận Viêm Lưu!
Mới hay con cháu nhà dòng dõi,
Tiết nghĩa còn lưu tiếng Vũ hầu.

Người đời sau có thơ khen gia đình Gia Cát Lượng như sau:

Gia Cát danh cao toàn vũ trụ,
Trung nghĩa truyền gia thế vô song.
Con cháu ba đời đều tuẫn tiết,
Đất trời nhỏ lệ áng mây sầu.

Cúc cung tận tụy cao khí tiết,
Một nhà trung liệt sáng muôn đời.
Khí vút cầu vồng anh linh mãi,
Vạn cổ ngàn thu át trời xanh.

Sự liêm khiết

Tầng lớp quan liêu thế gia ở nước Thục thời Lưu Chương thích hưởng thụ lối sống xa hoa, khiến xã hội băng hoại đến cực điểm. Gia Cát Lượng quyết tâm ngăn chặn, ông lấy mình làm gương đặt ra điều luật. Trong "Giới tử thư", ông nhắc nhở con cái trong nhà:

"Ta làm theo đạo của kẻ quân tử, tu thân thanh tịnh, cần kiệm dưỡng đức, đạm bạc để nuôi chí, tĩnh lặng để nghĩ xa. Ta học lấy sự thanh tịnh, tài do học mà có, chẳng học chẳng rộng tài, chẳng có chí thì chẳng thành công, buông thả hại cho tinh thần, mạo hiểm khó thuần được tính".

Sau khi bình định được phương Nam, danh tiếng của Gia Cát Lượng đạt đến đỉnh tối cao. Lý Nghiêm bèn viết thư khuyến khích ông: "Nên nhận lễ phong cửu Tích đổi tước hiệu và xưng vương". Gia Cát Lượng chẳng những không nghe theo mà trả lời rất thẳng thắn rằng:

"Tôi với túc hạ tương tri đã lâu há chẳng hiểu nhau ư... Tôi vốn là kẻ sĩ quê mùa ở phương Đông, tiên đế lầm dùng được đặt ở vị trí cao sang hưởng lộc trọng, nay trừ giặc chưa mấy hiệu quả, biết rằng chưa đền đáp được bao nhiêu, mà được tôn sùng thái quá, cho ngồi ở những vị trí quan trọng hơn thực hổ thẹn vậy!".

Gia Cát Lượng tự viết biểu tâu lên Hậu chủ Lưu Thiện rằng: "Nhà thần ở Thành Đô có tám trăm gốc dâu, ruộng xấu mười lăm khoảng, cái ăn mặc của con cái xem ra đầy đủ. Đến như thần gánh vác việc ở bên ngoài, cũng chẳng có gì khác người, cái ăn cái mặc đều trông vào cửa quan, chẳng chút tơ hào cho riêng mình, ấy là để lâu dài thước tấc vậy. Đến ngày thần mất, trong nhà chẳng để thừa gấm vóc, bên ngoài không có điền sản dư dôi, chính là để khỏi phụ lại lòng tin tưởng của Bệ hạ vậy". Sau này Gia Cát Lượng qua đời, quả đúng như lời đã nói.

Gia Cát Lượng di chúc rằng cứ an táng cho mình ở núi Định Quân tại tiền tuyến, không cần đưa về Thành Đô cử hành quốc táng để tránh lãng phí phô trương. Ông cũng di chúc rằng nghi thức tang lễ phải thật đơn giản, lấy núi làm mộ, có thể dùng quan tài loại thường cũng được, khi liệm chỉ cần dùng quần áo bình thường, không chôn theo vật quý.

Sự liêm khiết của Gia Cát Lượng tạo gương cho các quan lại nước Thục. Tể tướng Tưởng Uyển nhắc với con cái: "Thường nhắc nhở trong nhà nên ăn chay, mặc áo vải thô, ra ngoài không dùng xe ngựa". Tể tướng Phí Vĩ sau này, nhã nhặn khiêm nhường, nhà không tích chứa của cải, con cái mặc áo vải thô ăn cơm chay, không thích ngựa xe, chẳng khác dân thường. Đại tướng Khương Duy là tổng chỉ huy quân đội, nhà cửa cũng rất giản đơn, "trong nhà không có thiếp hầu, sau sân chẳng hề nghe thấy tiếng đàn hát". Còn Đặng Chi là nhà ngoại giao xuất sắc cũng chịu ảnh hưởng phong cách của Gia Cát Lượng, ông làm quan hơn 20 năm thưởng phạt nghiêm minh, chu cấp cho binh sĩ có khó khăn, sinh hoạt thường cần kiệm, khi ông ta mất gia cảnh rất thanh bần. Thanh liêm như vậy nên không khó hiểu tại sao nước Thục Hán mất mà người dân địa phương đến cả nghìn năm sau vẫn còn hoài niệm về Gia Cát thừa tướng.

Thờ phụng

Đền thờ Gia Cát Lượng

Gia Cát Lượng là vị quan duy nhất thời Tam quốc được thờ tại Đế vương miếu (được nhà Minh, nhà Thanh xây dựng, trong đó có thờ 41 vị công thần được đánh giá là tài năng và tận trung nhất qua các triều đại).

Sau khi Gia Cát Lượng mất, toàn dân Thục Hán rất đỗi thương tiếc, trăm họ tế cúng trong ngõ, người Nhung, Di tế cúng ngoài đồng nội. Tình hình này kéo dài suốt mấy chục năm không thôi. Trong bài biểu dâng lên vua Tấn vào năm Thái Thủy thứ 10 (272), Trần Thọ có nói: “Lê dân nghĩ nhớ, truyền tụng sự tích. Đến nay dân của hai châu Lương, Ích vẫn còn truyền kể chuyện về Lượng, lời như còn vẳng bên tai”[52] Tôn Tiền đời nhà Đường ghi rằng:

"Gia Cát Vũ Hầu đã mất 500 năm, nhân dân từ Lưỡng Hán đến nay, vẫn ca tụng sự tích, lập miếu và tế tự ở nhiều nơi, ông đã để lại sự thương nhớ của mọi người mãi mãi khắc sâu như thế"

Trên đất Trung Hoa, nhân dân rất nhiều nơi đã lập đền thờ để tưởng nhớ Gia Cát Lượng, trong đó nổi tiếng nhất là đền thờ ở huyện Miễn, dưới chân núi Định Quân (nơi an táng Gia Cát Lượng), sau đó đến miếu Vũ Hầu ở Thành Đô, miếu Vũ Hầu ở thành Bạch Đế, huyện Phụng Tiết, Trùng Khánh... Chỉ riêng vùng đất Thục xưa đã có đến 40 đền thờ Khổng Minh, tuy nhiên trong số đó đền Vũ Hầu ở Thành Đô vẫn là nổi tiếng hơn cả.

Năm 304, Lý Hùng xây dựng được chính quyền Thành Hán ở Thành Đô, ở Thiếu Thành của Thành Đô đã cho xây dựng "miếu Khổng Minh". Năm 347, Đông Tấn đại tướng quân Hoàn Ôn khi diệt được Thành Hán đã cho thiêu hủy Thiếu Thành, song miếu Khổng Minh lại được giữ lại, cho thấy người đời sau dù thuộc triều đình nào cũng rất kính trọng Gia Cát Lượng. Ngôi mộ của Gia Cát Lượng cho tới nay vẫn không bị xâm phạm bởi hậu thế đều kính nể và ngưỡng mộ đức hạnh cả đời cúc cung tận tụy và tài năng của ông. Ngay tới ngôi miếu thờ Khổng Minh từ trước tới nay cũng chưa từng bị trộm cướp. Năm 1979, các chuyên gia từ Học viện nông lâm Bắc Kinh đã xác định rằng 22 cây tùng quanh khu mộ Gia Cát đã được trồng từ thời Tam Quốc, chứng minh rằng suốt 1700 năm, trải qua nhiều cuộc biến động nhưng khu mộ vẫn không hề bị xâm phạm. Bởi vậy, có rất nhiều đền thờ, di tích liên quan tới Gia Cát Lượng được lưu truyền suốt 1.800 năm qua mà không bị hậu thế phá hủy.

Sau thời Tam quốc ít lâu, ở phía nam Thành Đô, trong hậu đường Hán Chiêu Liệt miếu (đền thờ Lưu Bị) có xây dựng một điện thờ Gia Cát Lượng. Đến đời nhà Đường, danh tiếng của Gia Cát Lượng vượt quá Lưu Bị, đền thờ ấy được gọi là đền thờ Vũ Hầu, vẫn được lưu truyền đến nay, trở thành một nơi danh thắng quan trọng ở Thành Đô. Ngôi đền bị cháy trong thời kỳ chiến tranh cuối thời nhà Minh, khi quân của Trương Hiến Trung tiến vào Thành Đô năm 1644. Sau đó đền được trùng tu trong những năm 1671 - 1672 dưới thời hoàng đế Khang Hy nhà Thanh. Năm 1961, đền được công nhận là di tích trọng điểm cấp Quốc gia của Trung Quốc. Các thi nhân nổi tiếng như Đỗ Phủ, Lý Thương Ẩn, Lục Du đã từng đến đó chiêm ngưỡng, lại còn viết không ít thơ ca tưởng nhớ Gia Cát Lượng. Trong đền có tấm bia Gia Cát Vũ Hầu rất có giá trị, do nhà chính trị nổi tiếng đời Đường là Bùi Độ viết ra, nhà thư pháp nổi tiếng Liễu Công Xước (anh của Liễu Công Quyền) trực tiếp viết chữ. Tấm bia đó đã khen Gia Cát Lượng có tài khai quốc trị dân, sánh được với những danh thần trong lịch sử như Khương Tử Nha, Y Doãn, Quản Trọng, Tiêu Hà.

Đền Vũ Hầu có diện tích hơn 15.000 m2, gồm 3 gian: gian ngoài thờ Lưu Bị, gian giữa thờ Khổng Minh và gian cuối thờ 3 anh em Lưu Bị - Quan Vũ - Trương Phi. Bước vào trong, du khách sẽ bắt gặp ngay hai bức thư pháp được khắc trên 37 phiến đá, mỗi phiến cao 63 cm, rộng 58 cm, là Tiền xuất sư biểu và Hậu xuất sư biểu của Gia Cát Lượng. Bước qua cổng thứ nhất có tấm bảng “Minh lương thiên cổ” (nghĩa là "Vua sáng tôi hiền còn lưu danh thiên cổ").

Đền thờ Vũ Hầu ở thành Bạch Đế cũng như các đền thờ ở Nam Dương và Tương Dương cũng đều rất nổi tiếng. Ở đền thờ Vũ Hầu tại thành Bạch Đế, nổi tiếng nhất vẫn là tác phẩm của Đỗ Phủ đề tặng:

Gia Cát danh thơm khắp hải hà,Tôn thần tượng ấy đủ cao xa.Ba chân đại đỉnh phân ranh giới,Một quạt kê mao đuổi giặc tà.Gây dựng bá vương tài Lã Vọng,Mở mang cơ nghiệp chí Tiêu HàNhững mong gánh vác phò vua Hán,Ngũ Trượng chưa yên mộng hải hà.